Tuesday 2 April 2013

Nghiện việc


"Nghiện" việc - đó là một cụm từ có lẽ chẳng hề xa lạ với bất kì người trẻ nào. Nếu như người ta có thể là một "tín đồ shopping", một "bookworm" kè kè sách quên ăn quên ngủ, thì tôi là một cô nàng "nghiện việc", điều đó có vấn đề gì sao?

Bất cứ việc gì cũng đều có hai mặt của riêng nó, và tôi tin điều này là đúng với hầu hết mọi trường hợp, và nghiện việc cũng vậy. Nghiện việc, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn chỉ biết làm, làm và làm như thể mặt trời sẽ không bao giờ mọc vào ngày mai. Nghiện việc cũng chẳng hề giống với việc lo lắng hoài cho tương lai mà quên mất đi những hạnh phúc đang kéo dài ở hiện tại. Có rất nhiều "biểu hiện" để chứng tỏ rằng bạn là một "con nghiện làm việc", nhưng tin tôi đi, nếu như bạn bị mắc kẹt ở hai lí do vừa nêu ở phía trên thì điều đó đã thể hiện bạn là "workaholic" theo hướng tiêu cực rồi đấy!
Vì sao tôi lại dám khẳng định như thế? Đương nhiên là tôi có lí do chính đáng. Có ai dám khẳng định rằng một khi đã bị "nghiện" việc thì bạn sẽ chẳng còn gì không (Dĩ nhiên là còn lại công việc :))). Theo chiều hướng tích cực, một khi đã "nghiện việc", bạn sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện "Tôi đủ, và tôi ổn!". Trong cuộc sống này, học không bao giờ là đủ, việc để làm không bao giờ hết đi, nếu như chỉ biết ngồi một chỗ chấp nhận và không màng đến sự tiến triển. Nghiện việc, chứ không phải là nghiện tiền lương, và một khi đã muốn nghiện việc thì đôi khi tiền lương cao lên cũng là điều dễ hiểu, chẳng có gì phải xấu hổ hay ngại ngùng gì cả. Cũng có nhiều người chỉ cảm thấy khỏe khoắn, hạnh phúc khi lao vào công việc. Và nếu một người vừa nghiện việc vừa nghiện yêu (từ gia đình, bạn bè... cho đến người ấy) thì chắc chắn người đó sẽ ít khi cảm thấy mệt mỏi mà muốn chùn bước. Một cuộc sống bận rộn chưa chắc đã hạnh phúc nhưng một cuộc sống hạnh phúc chắc chắn luôn luôn phải bận rộn, vì hạnh phúc chẳng bao giờ tự nhiên mà đến mà luôn cần những "chất xúc tác" do con người tạo ra.
"Những người nghiện việc thực sự không bao giờ chịu thừa nhận điều này. Những người chế nhạo và cười đùa những người nghiện việc lại đúng là những người nghiện việc. Nghiện việc cũng giống như nghiện rượu, đó là người nghiện luôn phủ nhận”. Tôi đã từng đọc được dòng này trên một trang báo mạng, và tôi không nghĩ như thế. Như tôi đã nói ở phía trên, nếu trong cuộc sống này có nhiều lựa chọn, từ quần áo, giày dép, ... thì chắc chắn ta cũng có lựa chọn cho mình "cấp độ nghiện việc" ở mức thích hợp nhất. Từ trước đến giờ, khi nghe chữ "nghiện" (xét trong phương diện đạo đức) người ta luôn luôn gắn mác và cho rằng điều đó chẳng hề hay ho tí nào. Người ta luôn tìm cách khiến cho những người dính phải hai chữ "nghiện" đó "cai nghiện" một thứ gì đó một thời gian, mà không hề nghĩ đến rằng "nghiện" ở đâu thì cũng đều có cấp độ cả. Nghiện học, nghiện đọc sách, nghiện làm việc ở một cấp độ vừa phải cũng sẽ luôn là một "liều thuốc" trấn an để tinh thần luôn được giữ vững, bù lại, nghiện rượu, nghiện đến bar, nghiện xem tivi,... lại là điều hoàn toàn ngược lại. Tôi không nghĩ việc "nghiện" một sở thích gì đó là xấu, quan trọng là do bản thân "người nghiện" biết mình đang ở vị trí nào và suy nghĩ ra sao mà thôi!
Trang hùynh sưu tầm

No comments:

Post a Comment